Khi trồng cây mới mua về, bạn cần chú ý về thời tiết, lượng nước tưới, đất trồng, chậu và ánh sáng. Để chăm sóc cây mới trồng có thể khỏe mạnh và phát triển tốt.
1. Tìm hiểu về điều kiện thời tiết khi chăm sóc cây mới trồng
Có khá nhiều người sẽ bỏ qua yếu tố này khi tiến hành trồng cây cảnh. Tuy nhiên bạn hãy nhớ rằng, tìm hiểu về môi trường sống của cây vô cùng quan trọng. Môi trường sống của cây hay còn gọi là tiểu khí hậu nơi trồng. Lấy một ví dụ để người mới bắt đầu trồng cây cảnh rõ hơn như sau: Nếu đất nhà bạn nằm trong ở một khu phố có nhiệt độ 40°C. Nhưng sân vườn được tưới mát, có bóng cây, mái che, gió thổi, nhiệt độ khi đứng trong sân vườn này là 28°C. Thì đó chính là tiểu khí hậu mà bạn có.
Tại sao tiểu khí hậu lại quan trọng?
Mỗi loại cây có yêu cầu về khí hậu khác nhau. Có cây ưa nhiều nắng, nhiều nước như rau, cũng có cây ưa râm mát một phần như trầu bà. Do đó chọn đúng tiểu khí hậu để sắp xếp phù hợp với từng loại cây giúp bạn bố trí khu vườn tốt hơn và chăm cây dễ dàng.
Vị trí đặt cây mỗi người sẽ mỗi khác. Bạn có thể đặt cây ở ban công hướng đông, hướng tây, người khác sẽ đặt ở dưới đất vườn hoặc trong giàn che. Dù vậy bạn cũng cần nắm bắt vị trí của cây. Cây ở nơi có nhiều gió sẽ nhanh mất nước hơn, hoặc cây ở nơi có tường chắn thì sẽ hấp nhiệt, sốc nhiệt…
Vì vậy tiểu khí hậu ở mỗi nơi là hoàn toàn khác nhau. Đó cũng là điều mà nhiều người thắc mắc “tại sao cùng một cách chăm sóc giống nhau, vậy mà có người trồng cây phát triển tốt, có người lại không tốt?”.
Những lý giải ở trên đã cho thấy tiểu khí hậu quan trọng như thế nào đối với việc chăm sóc cây mới trồng. Vì vậy trước khi trồng cây, bạn hãy xác định điều kiện thời tiết ở nơi mà bạn muốn trồng. Điều đó sẽ giúp bạn có cách chăm sóc và hướng xử lý phù hợp với cây trồng hơn. Dù bạn trồng cây ở những nơi có tiểu khí hậu khắc nghiệt, nhưng bạn biết cách xử lý, cây vẫn hoàn toàn phát triển tốt.
Khi bạn mua cây ở nơi khác về môi trường của bạn, hãy cho cây có thời gian làm quen. Cây trồng sẽ nhận viết điều kiện môi trường, ánh sáng… để tự thay đổi phù hợp.
2. Lưu ý về ánh nắng khi chăm sóc cây mới trồng
Ánh nắng là một trong những yếu tố quan trọng cho cây trồng. Có loài cây ưa nắng, cũng có loài cây ưa bóng râm. Mỗi loài cây có một đặc tính sinh học khác nhau. Khi chăm sóc cây mới trồng, bạn nên tìm hiểu về đặc điểm của loài cây đó.
Ánh nắng thường được chia làm ba loại. Đó là các loại: nắng trực tiếp, nắng không trực tiếp, bóng râm. Rất nhiều các loại cây trồng chậu sẽ thích nhất nếu được tắm trọn nắng sáng, và được nằm dưới bóng râm khi nắng gắt vào buổi trưa chiều.
Vì vậy nếu để cây ngoài trời, bạn hãy bài trí để sân thượng hay khoảng sân nhà sẽ có các bóng râm vào buổi trưa để cây trú nắng. Nếu trồng cây trong nhà, bạn cần lưu ý đặt cây về hướng có ánh nắng vào buổi sáng. Đồng thời lưu ý xoay vị trí cây để tránh cây chỉ nhận nắng một phía.
3. Lưu ý về đất trồng khi chăm sóc cây mới trồng
Đất trồng là yếu tố quan trọng tiếp theo mà bạn cần lưu ý. Các cây cảnh mini thường cần những loại đất trồng thoát nước tốt như sen đá hay xương rồng. Trước kia khi trồng sen đá hay xương rồng, người chơi cây thường dùng đất thịt, xơ dừa, tro… Họ phối trộn theo các tỉ lệ khác nhau nhằm ngăn khả năng giữ nước của đất thịt. Tuy nhiên ngày nay, rất hiếm người chơi chuyên nghiệp dùng đất thịt để trồng cây cảnh như sen đá hay xương rồng. Họ thường dùng giá thể chuyên dụng hoặc tự phối. Nguyên liệu tự phối giá thể bao gồm: đá Perlite, đá Vermiculite, phân trùn quế,… Dù vậy, kỹ thuật phối nguyên liệu phải đòi hỏi người có kinh nghiệm và am hiểu về cây trồng. Nếu bạn là người mới chưa hiểu rõ về nguyên liệu và cây thì nên chọn loại giá thể chuyên dụng đã được phối sẵn.
Nếu bạn trồng hoa hồng, sẽ có nguyên liệu dành riêng cho hoa hồng. Hoặc nếu bạn trồng xương rồng hoặc sen đá, thì hãy dùng giá thể Soil Mix BA. Giá thể bao gồm: đá Perlite, đá Vermiculite, đá Pumice, đá Lava, vỏ thông, Peatmoss và phân trùn quế. Do giá thể đã bao gồm thành phần dinh dưỡng là phân trùn quế, vì vậy bạn chỉ cần bổ sung chất dinh dưỡng 2-3 tháng một lần. Nếu nhiều quá sẽ khiến cây bị bội thực. Hơn nữa cây dư chất dinh dưỡng sẽ dễ thu hút nhiều loài sâu bệnh.
4. Lưu ý về chậu khi chăm sóc cây mới trồng
Trước khi trồng cây bạn nên lựa chọn loại chậu phù hợp cho cây. Một số cây cảnh có thể trồng trong chậu thủy tinh, số khác thì thích hợp với chậu nhựa. Còn xương rồng hoặc sen đá phù hợp với chậu đất sét.
Để lựa chọn loại chậu phù hợp, bạn cần biết cây có cần thoát nước hay không? Phần rễ cây phát triển dài hay phát triển ngang? Cây ưa ẩm hay ưa khô? …
Sau đó, khi cây đạt đến độ lớn nhất định bạn cần tiến hành thay chậu để rễ có không gian phát triển tốt hơn. Thông thường bạn thay chậu lớn hơn gấp 1,5 đến 2 lần loại chậu cũ đã dùng. Như vậy trong vòng 8-12 tháng tiếp theo cây có thể phát triển ổn định mà không thiếu không gian.
Khi thay chậu bạn cũng nên thay luôn giá thể mới cho cây. Vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa có một môi trường mới, giúp cây thích nghi nhanh hơn.
5. Lưu ý về lượng nước khi chăm sóc cây mới trồng
Dù cho cây của bạn là loại ưa nước, ưa ẩm hay ưa khô hạn. Tưới dư nước là nguyên nhân hàng đầu gây chết cây. Nước dư làm rễ cây bị thối, đất thiếu oxy và sự ẩm thấp cũng là môi trường sinh ra nấm gây bệnh cho cây.
Vì vậy bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Trước khi tưới kiểm tra độ ẩm bằng quan sát hoặc chạm tay vào đất. Nếu thấy đất còn ẩm thì không nên tưới nước. Tùy theo loại cây mà sẽ tưới khi đất đã khô cong/hơi khô/ hơi ẩm. Bạn hãy tìm hiểu về đặc tính của cây mà bạn trồng nhé.
- Tạo một lịch tưới cây cho cây và ghi nhớ: cây nào tưới mỗi ngày, mỗi 2 ngày, mỗi tuần.
- Liều lượng: khi đã đến lúc tưới thì tưới khoảng 1/3 hoặc 1/4 chậu cây. Nên tưới vào buổi sáng, tưới vào gốc chứ không tưới lá. Nếu chúng ta tưới vào buổi tối, nước không bốc hơi kịp làm tăng độ ẩm sẽ dễ gây nấm. Nếu dùng nước máy, nên lấy nước ra ngoài trời nửa ngày đến 1 ngày để nước không còn các chất hóa học. Các chất này dễ khiến cây mới về nhà bị “dị ứng”.