Bên cạnh việc lựa chọn giống rau tốt thì kỹ thuật canh tác cũng là một trong những yếu tố quan trọng đảm năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nông dân, người sản xuất nông sản. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả để đạt năng suất cao.
1 – Kỹ thuật trồng cây ăn quả (trồng mới)
Chọn đất trồng cây ăn quả:
Tầng canh tác dày, kết cấu tơi xốp, điều kiện tưới tiêu thuận lợi, thoát nước tốt, giàu mùn.
Tiêu chuẩn chọn giống:
Đúng giống, được cung cấp bởi cơ sở có uy tín, giống đồng đều, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có bộ lá xanh tốt, không sâu, bệnh.
Thiết kế vườn trồng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Thoát nước tốt trong mùa mưa.
- Hạn chế và ngăn chặn các sâu bệnh hại xâm nhiễm từ bên ngoài.
- Chống xói mòn để giữ độ phì cho đất (đối với đất dốc).
- Đảm bảo vườn thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại.
Xác định mật độ trồng:
Mật độ trồng phụ thuộc vào 1 số yếu tố như giống, điều kiện đất đai, chế độ chăm sóc, kỹ thuật cắt tỉa,…
Kỹ thuật trồng cây:
- Thời vụ trồng: Với điều kiện thời tiết các tỉnh miền Bắc nên trồng cây ăn quả vào vào vụ xuân (tháng 3 – tháng 4) và vụ thu (tháng 8 – tháng 10). Đây là thời gian trồng thuận lợi để tỉ lệ sống cao.
- Trồng cây: Xé túi bầu cây giống, lưu ý tránh làm vỡ bầu, xới đất đặt cây giống vào vị trí đã xác định (tâm hố), cắm cọc buộc cây để tránh gió lay gốc.
- Tiêu chuẩn bón phân lót, lấp hố:
- Đào hố trồng cây: Kích thước hố trồng có cạnh và chiều sâu từ 40 – 60cm tuy từng loại cây và chân đất. Để riêng lớp đất mặt và lớp đất đáy.
- Bón lót: Phần đất màu của mỗi hố được trộn đều với 20-30kg phân chuồng hoai mục, 0,2-0,3kg đạm sunfat amon, phân lân vi sinh hoặc 3kg phân lân nung chảy, 0,2 kg kali (K2SO4) và 0.5-1kg vôi bột. Toàn bộ hỗn hợp bón lót được trộn đều với phần đất mặt và được lấp đầy trở lại hồ, định vị lại vị trí trồng cây (tâm hố). Công việc này phải được hoàn thiện trước khi trồng cây 15 – 20 ngày.
Lưu ý: Sau trồng thường xuyên thăm vườn, duy trì độ ẩm trong khoảng 1 tháng, kịp thời trồng dặm cây chết, cây có biểu hiện sinh trưởng phát triển kém, đảm bảo mật độ trồng
Chăm sóc sau khi trồng:
Thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó tuỳ thời tiết nắng mưa để chống hạn hoặc chống úng cho cây.
2 – Chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB)
Chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB) là giai đoạn kiến thiết nên bộ khung tán cho cây (1 – 2 năm sau trồng). Khâu kỹ thuật quan trọng trong giai đoạn này là cắt tỉa tạo tán.
Cắt tỉa tạo bộ khung, tán:
Khi cây đạt chiều cao, bấm ngọn tạo cành cấp 1 và bấm ngọn cành cấp 1 tạo cành cấp 2. Tiếp tục tạo tán ở giai đoạn KTCB.
Chỉ để lại 3 – 4 cành cấp 1 phân bố tương đối đều về các hướng. Các cành cấp 1 thường chọn cành khỏe, ít cong queo, khung tán đều và thông thoáng. Trên cành cấp 1 chỉ giữ lại 3 cành cấp 2 phân bố hợp lý về góc độ và hướng. Cành cấp 3 là những cành tạo quả và mang quả cho những năm sau. Các cành này phải khống chế để chúng không giao nhau và sắp xếp theo các hướng khác nhau giúp cây quang hợp được tốt.
Chú ý: Thời kỳ KTCB, nếu cây ra hoa, quả thì tỉa bỏ để cây tập trung dinh dưỡng tạo khung tán.
Bón phân:
Lượng phân bón cung cấp cần gia tăng dần khi cây lớn, lượng phân bón tuỳ theo tuổi của cây. Ở giai đoạn kiến thiết cơ bản nên ngâm phân để tưới. Cây từ 1 – 3 năm sau khi trồng (cây chưa có quả – giai đoạn kiến thiết cơ bản). Mỗi năm bón 4 lần vào tháng 2, tháng 5 tháng 8 và tháng 11.
3 – Chăm sóc thời kỳ kinh doanh
Giai đoạn kinh doanh là giai đoạn trồng cây từ năm thứ 3 trở đi, cây bắt đầu cho trái ổn định. Một số kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả trong thời kỳ này như sau:
Cắt tỉa hàng năm:
Thực hiện cắt tỉa đúng phương pháp và đúng thời điểm giúp cân bằng sinh trưởng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại. Tỉa bỏ cành mọc yếu, rậm rạp cần thực hiện thường xuyên. Trên cây chỉ giữ lại 1 số cành tốt mọc từ thân, cho trái đều, hướng đầy đủ ánh sáng. Như vậy cây thường thấp và có tán cân đối.
- Cắt tỉa sau thu hoạch: Được tiến hành sau khi thu hoạch quả. Cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành chết, cành vượt, những cành quá dày, cắt tỉa bớt cành cấp 1 (nếu số cành cấp 1/cây quá dày) sao cho cây có bộ khung tán cân đối. Đối với cành thu, cắt bỏ những cành yếu, mọc quá dày.
- Cắt tỉa vụ xuân: Được tiến hành vào giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 hàng năm: Cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, cành sâu bệnh, cành mọc lộn xộn trong tán, những chùm hoa nhỏ, dày, dị hình.
- Cắt tỉa vụ hè: được tiến hành từ tháng 4 đến hết tháng 6: Cắt bỏ những cành hè mọc quá dày hoặc yếu, cành sâu bệnh, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình.
Bón phân
- Lượng bón: Trong thời kỳ cho quả, lượng phân bón được thiết lập dựa trên năng suất của vụ trước, hoặc tuổi cây.
- Thời vụ bón: Toàn bộ lượng phân được chia làm 3 lần bón trong năm.
- Lần 1: Bón thúc hoa: đạm urê + kali clorua
- Lần 2: Bón thúc quả: đạm urê + kali clorua. Bón thúc 1, 2 có thể hòa phân với nồng độ 0,3 – 0,5% tưới xung quanh hình chiếu của tán hoặc rắc trực tiếp xung quanh gốc cây rồi xới nhẹ cho phân bị vùi vào đất.
- Lần 3: Bón sau thu hoạch: 100% phân hữu cơ + 100% phân lân + đạm urê, kali clorua. Rạch rãnh xung quanh hình chiếu của tán cây với chiều rộng 20 – 30cm, sâu 10 – 15cm, rắc phân đều vào rãnh rồi lấp đất.
Tưới nước:
Về lượng nước tưới và số lần tưới phải dựa vào khả năng giữ nước của đất, lượng bốc hơi và lượng mưa để quyết định, phương pháp tưới có thể là tưới bề mặt hoặc tưới nhỏ giọt,… mỗi lần bón phân cần phải tưới nước để phân có thể hoà tan tạo điều kiện cho cây hấp thụ tốt hơn
Bao quả:
Để tăng chất lượng mẫu mã, ngăn ngừa sâu bệnh hại, bà con có thể dùng bao quả chuyên dụng để bao quả từ khi quả còn nhỏ.
Phòng trừ sâu bệnh:
Cần theo dõi liên tục và kịp thời để có những biện pháp xử lý khi xuất hiện sâu bệnh.
Trên đây là các kỹ thuật trồng cây ăn quả người nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp cần chú ý để có sản lượng cao trong vụ mùa sắp tới. Chúc bạn thành công với vườn trái cây của mình.